Theo phong thủy, nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ, sắp xếp các đồ thờ không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ.
Bàn thờ cần phải đặt theo đúng hướng phù hợp với vận khí của gia chủ. Ảnh: T.L
Trai bên trái, gái bên phải
Theo ông Luyện Văn Dũng - một người am hiểu về phong tục cúng giỗ ở Yên Mỹ, Hưng Yên, một bàn thờ thường đặt 3 bát hương trên đế Tam sơn. Ba bát hương này khi đứng từ ngoài nhìn vào thì ở giữa là bàn thờ thổ công, hội đồng gia tiên, còn hai bên thì đặt bát hương thờ bà tổ cô và bát hương thờ ông mãnh theo quan niệm "trai bên trái, gái bên phải".
Ảnh đặt cũng sắp xếp theo "trai bên trái, gái bên phải" và theo cấp bậc, mỗi bát hương để cách nhau khoảng 10cm. Trong đó bát hương thổ công bao giờ cũng to hơn 2 bát kia và đặt ở vị trí cao hơn.
Nhiều nhà đặt quá nhiều bát hương trên bàn thờ là không đúng cách sẽ không tổ hợp được sức mạnh tâm linh. Ngoài ra, không thể để thờ hai họ nội và ngoại cùng bát hương bởi quan niệm trần sao âm vậy.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu Phát triển Khoa học Việt Nam - Đông Nam Á) tùy thuộc vào hoàn cảnh từng nhà mà đặt bàn thờ cũng như lập các bát hương, chứ không nên quá máy móc.
"Điều quan trọng là cái tâm thành kính. Nhiều người cho rằng, không nên thờ chung họ nội và ngoại trong một bàn thờ nhưng theo tôi điều đó không sao cả bởi bàn thờ giống như một lịch sử của một dòng họ là để tưởng niệm, biết ơn với những người quá cố đã sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Hơn nữa, việc đặt vị trí bàn thờ là điều quan trọng rồi nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải luôn giữ cho bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thường xuyên thắp hương để tưởng nhớ về tổ tiên và người đã khuất, bàn thờ thần tài cầu may", ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nói.
Về vị trí đặt bàn thờ, ông Luyện Văn Dũng cho biết, theo tập tục của dân gian thì ban thờ gia tiên thường được đặt giữa gian nhà hướng ra mặt tiền. Tuy nhiên, việc đặt bàn thờ có một nguyên tắc là hướng về cái đẹp và tùy theo tuổi của gia chủ.
Mỗi gia đình tùy theo hoàn cảnh rộng, hẹp, nhiều tầng hay nhiều phòng mà chọn chỗ đặt bàn thờ cho thích hợp nhưng phải hướng về cái đẹp: Thiên y, Sinh khí, Phúc đức hoặc Phục vị, chứ không được đặt bàn thờ hướng về cái xấu: Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ, Họa hại, Lục sát.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên.
Với một gia đình riêng có nhiều tầng thì tầng trên cùng của tòa nhà đặt phòng thờ là hợp lý nhất. Nó không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
Nếu không có không gian làm phòng thờ riêng có thể bố trí trong phòng khách, không nên bố trí tại phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp. Việc đặt ban thờ ở tầng 1 cũng không sao, tuy nhiên cần tránh tầng trên không được kê giường ngủ, phòng vệ sinh… bởi nó sẽ làm giảm tính tôn nghiêm của không gian trang trọng này.
"Có phòng thờ riêng là tốt nhất bởi bàn thờ thuộc tĩnh không hợp với sự phô trương. Điều đó cũng sẽ tránh được việc đi từ ngoài cửa vào đã nhìn thấy bàn thờ tổ tiên, hình ảnh tổ tiên. Hơn nữa, bàn thờ ngay cửa chính sẽ đón nhận nhiều sát khí từ ngoài vào, dễ có gió thổi làm động bát hương", ông Luyện Văn Dũng cho hay.
Đồng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng, về mặt nghi lễ, bàn thờ cần đặt ở nơi cao ráo, trang trọng nhất; còn về phong thủy bàn thờ cần đảm bảo thêm yếu tố vượng khí tức cần thoáng khí, rộng rãi.
Tốt nhất nên cân nhắc vị trí đặt bàn thờ ngay khi bắt đầu thiết kế xây nhà sao cho phù hợp. Với nhà chung cư, bàn thờ vẫn phải đảm bảo sự thông thoáng, nhưng kín đáo và thống nhất về hình thức sao cho tương ứng với không gian căn hộ.
Tượng Phật có được đặt cùng bàn thờ gia tiên?
Theo ông Luyện Văn Dũng, việc đặt bàn thờ Phật cũng cần lưu ý nếu không sẽ không mang lại may mắn cho gia chủ. Nơi đặt bàn thờ Phật cần tránh: Không hướng ra nhà vệ sinh, không hướng ra cửa phòng, không hướng ra bàn ăn bởi vì Phật ưa thanh tịnh, giới sát tinh.
Cúng Phật chỉ dùng hoa quả tươi, không được cúng tam sinh (một con ngan, một thủ lợn, một con gà hoặc cá là những thứ chỉ nhà trình đồng mở phủ mới cúng) như gia thần và gia tiên.
Vì vậy, bàn thờ Phật phải đặt riêng, có thể là trước bàn thờ gia tiên và cao hơn bàn thờ gia tiên. Tranh, tượng Phật chỉ để khi có bàn thờ Phật, không nên để cùng với gia tiên để thể hiện lòng tôn kính Tam bảo.
Khi lau rửa, có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước. Bởi người xưa quan niệm như vậy là bất kính.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh, trên bàn thờ bắt buộc phải có bát hương, chân đèn, nước. Đồ bày trên bàn thờ quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi, nước sạch. Bàn thờ bé chỉ nên đặt một bình hoa, không nhất thiết là hoa gì nhưng thường là cúc biểu hiện dương khí, hoa sen, hoa hồng, loa kèn…
Không nên để quá nhiều hoa nhựa, bởi theo quan niệm đó là sự giả dối. Bàn thờ phải thoáng sạch, bình hoa, đĩa quả, đèn/nến đặt hai bên, chính giữa đặt chén nước để bát hương thần linh thoáng. Nước của bình hoa cũng chú ý nên thay thường xuyên. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh để từ tháng này qua tháng khác.
Giấy công đức không đặt lên bàn thờ
Trước quan niệm của nhiều người cho rằng, giấy công đức chùa khi về nên để lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho hay, giấy công đức là ghi nhận sự đóng góp của người đã làm việc công đức cho chùa.
Vì lẽ ấy mà nhà chùa ghi nhận việc cúng dường đó bằng một tờ giấy công đức. Không nên để lên bàn thờ vì nó là thứ không liên quan đến thờ cúng. Nếu nhiều quá thì hóa đi rồi bỏ cũng được. Quan trọng là tâm mình hoan hỷ.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét